Công viên địa chất Lạng Sơn: Phát triển du lịch dựa vào các giá trị cốt lõi

VHO - Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương; phát triển du lịch bền vững dựa vào các giá trị cốt lõi của Công viên địa chất Lạng Sơn, trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai xây dựng bốn tuyến du lịch với 38 điểm đến…

Công viên địa chất Lạng Sơn: Phát triển du lịch dựa vào các giá trị cốt lõi - Anh 1

 Công viên địa chất Lạng Sơn

 Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021; năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố với diện tích xấp xỉ 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Đây là vùng đất hội tụ, giao lưu của 7 dân tộc chính là Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông…

Bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng BQL Công viên địa chất Lạng Sơn thông tin: Hiện đã trình hồ sơ lên UNESCO và đang hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan; dự kiến, cơ bản xong trước tháng 7.2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.

Quá trình karst hóa cùng các điều kiện về địa hình, khí hậu, thủy văn và một số điều kiện khác đã tạo cho vùng Công viên địa chất Lạng Sơn hệ thống hang động đá vôi đẹp, độ dài lớn, trong hang có thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Về mặt cấu trúc, khối karst hóa nằm trong vùng Công viên địa chất là một phức nếp lồi lớn, bị chia cắt thành những khối riêng lẻ với nhiều vết nứt, tạo điều kiện cho sự thâm nhập của sông suối vào hệ thống hang động.

Với chủ đề Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng, bốn tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn là: Khám phá thế giới Thượng ngàn; Hành trình về miền Thiên giới; Cuộc sống dân dã nơi trần thế; Đường đến Thủy cung đang được triển khai trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên và cảnh quan địa chất; sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn.

Lạng Sơn là mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử với 272 lễ hội truyền thống. Toàn tỉnh có 5 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 3 lễ hội nằm trong vùng Công viên địa chất là Trò Ngô, Ná Nhèm và Phài Lừa.

Công viên địa chất Lạng Sơn: Phát triển du lịch dựa vào các giá trị cốt lõi - Anh 2

 Lạng Sơn là mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng khách du lịch đến địa phương quý I năm 2024 đạt 1,521 triệu lượt, tăng 12,7% so với cùng kỳ và đạt 37,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 39.000 lượt, tăng 334% so với cùng kỳ, đạt 24,4% so với kế hoạch năm; khách trong nước đạt 1,482 triệu lượt, tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 38% so với kế hoạch năm.

Lạng Sơn xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu, điểm du lịch tiềm năng, trong đó có Công viên địa chất Lạng Sơn. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Lạng Sơn phát triển toàn diện.

Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 298 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; trong đó có hai cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao. Tổng cộng có 3.900 buồng lưu trú, trong đó 421 buồng tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 60 homestay ở các vùng nông thôn, miền núi; 320 nhà hàng, cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch; 6 đơn vị vận chuyển hành khách, 13 doanh nghiệp lữ hành, 4.100 lao động trực tiếp làm du lịch, 108 hướng dẫn viên. 60% lao động ngành Du lịch đã được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn - Aforex (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng), chủ Trạm dừng nghỉ Hoa Hồi chia sẻ: Xuất phát là doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi, với mục đích giới thiệu, quảng bá đặc sản của Lạng Sơn, Aforex đã xây dựng Trạm dừng nghỉ rộng hơn 10.000m2, với những trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc, tìm hiểu đặc sản địa phương… để phục vụ du khách. Hiện rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đã trở lại nơi đây để được trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm nông sản, đặc sản. Nhờ đó, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Trạm đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Xuân Phi, Giám đốc Công ty Tran Tourist cho rằng: “Du lịch Lạng Sơn cần tăng tính kết nối với các địa phương lân cận như Hà Giang, Cao Bằng để thu hút khách đến các địa phương này cũng sẽ ghé qua Lạng Sơn. Đó là cách đứng trên “vai người khổng lồ” để phát triển. Việc đào tạo, huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, những người trực tiếp phục vụ du khách ở các tuyến điểm rất quan trọng. Đồng thời, cần truyền thông điểm đến trên nhiều kênh khác nhau, nhất là qua các KOL để tạo tác động lớn. Đặc biệt, người làm du lịch cần có sự kết nối, liên kết chặt chẽ với nhau để tạo sức mạnh theo cấp số nhân”.

Đánh giá Lạng Sơn rất giàu tiềm năng phát triển du lịch và là doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương suốt nhiều năm, ông Nguyễn Xuân Hải, Công ty TNHH Viện Phát triển Du lịch bền vững Việt Nam cho biết: “Du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn được ví như “nàng công chúa đang ngủ quên”, cần sự đánh thức của cộng đồng làm du lịch để tạo ra những sản phẩm vượt trội trong tương lai. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ có những chuyến famtrip mời doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đến trải nghiệm bốn tuyến du lịch mới tại đây. Đồng thời, góp ý để nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch, trước khi có đoàn của UNESCO đến đánh giá, xem xét công nhận là Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn”. 

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc