Thể thao Việt Nam hướng tới Asian Games 19: Quyết tâm vượt “núi”

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 2494/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) lần thứ 19, tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc. Theo kế hoạch, "đại quân" của Đoàn Thể thao Việt Nam do Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, làm Trưởng đoàn, sẽ lên đường vào ngày 20.9.

Thể thao Việt Nam hướng tới Asian Games 19: Quyết tâm vượt “núi” - Anh 1

Đội tuyển cầu mây tích cực chuẩn bị cho Asian Games 19 Ảnh: VĂN DUY

 Công tác chuẩn bị đã dần hoàn tất

Trên cơ sở điều lệ quy định của ban tổ chức, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á gồm 504 thành viên, do Trưởng đoàn Đặng Hà Việt và 2 Phó trưởng đoàn là Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 Hoàng Quốc Vinh và Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2 Ngô Ích Quân dẫn dắt. Đoàn sẽ có 22 cán bộ kết nối với ban tổ chức phục vụ các công tác hậu cần, 16 bác sĩ (bao gồm 4 bác sĩ đội Bóng đá nam và Bóng đá nữ) chăm lo cho thể lực, hồi phục, chữa trị chấn thương cho các VĐV; 22 lãnh đội, 11 chuyên gia và 90 huấn luyện viên và 337 VĐV tranh tài ở 31 môn và phân môn.

Theo Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Asian Games 19 Đặng Hà Việt, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được tiến hành từ năm 2022 và ngay sau SEA Games 32, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT cùng các đơn vị chức năng đã rà soát, đánh giá kỹ nhằm giúp các VĐV đạt kết quả tốt nhất. Chuẩn bị cho Đại hội, các đơn vị chuyên môn thuộc Cục TDTT đã chia nhóm môn trọng điểm để có sự đầu tư tương xứng cho từng nhóm môn. Các đội cũng đã có kế hoạch tập huấn trong nước, nước ngoài, thi đấu trong nước và quốc tế một cách bài bản, kỹ lưỡng và hiện mọi công việc của từng người, số lượng cán bộ Đoàn tham dự Đại hội đã được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các VĐV trong quá trình tham gia tranh tài.

Cho tới giờ công tác chuẩn bị đang dần hoàn tất, từ việc tính toán lộ trình di chuyển, đặt vé máy bay cho đến việc phối hợp với ban tổ chức chuẩn bị nơi ăn, chốn ở cho các VĐV. Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức lễ xuất quân tham dự Đại hội vào ngày 16.9. Điểm thuận lợi của kỳ Đại hội lần này là sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương đã giúp cho thể thao Việt Nam có được lực lượng ưu tú nhất để lên đường tranh tài. Đặc biệt thể thao Việt Nam sẽ mang tinh thần chiến thắng của SEA Games 32 đến với đấu trường lớn nhất châu lục. Những thành công tại SEA Games 32 chính là tiền đề, bàn đạp tốt để thể thao Việt Nam vươn tới Đại hội thể thao tầm cỡ châu lục, với sự tham gia tranh tài của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên đây cũng sẽ là kỳ Đại hội đầy khó khăn của thể thao Việt Nam.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Trước hết, nếu xét thành tích trong quá khứ thì chưa kỳ Đại hội nào thể thao Việt Nam đoạt được 5 HCV. Ở kỳ Đại hội gần nhất vào năm 2018, thể thao Việt Nam thành công rực rỡ với 4 HCV gồm 1 chiếc HCV ở nội dung nhảy xa môn điền kinh, 1 HCV môn Rowing nữ, 2 HCV môn Pencak Silat. Về lý thuyết, thể thao Việt Nam sẽ có chiếc HCV thứ 5 ở nội dung 400m rào của Quách Thị Lan do VĐV đoạt HCV dương tính với doping và Lan từ VĐV đoạt HCB được đôn lên để thay thế. Nhưng trớ trêu là cho tới thời điểm này, tức là sau hơn 5 năm, ban tổ chức vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc trao HCV cho chân chạy của Việt Nam nên số HCV đoạt được của chúng ta tại Asian Games 18 vẫn dừng ở con số 4.

Tại kỳ Đại hội này, Bùi Thị Thu Thảo cũng đã qua thời phong độ đỉnh cao và chấn thương khiến cô khó có thể lập lại kỳ tích, trong khi thành tích tốp 8 nữ VĐV nhảy xa tốt nhất châu Á đều bỏ cách khá xa thành tích hiện tại của Thu Thảo. Trong khi đó nội dung đã giúp cho các cô gái của đội tuyển đua thuyền giành 1 HCV tại Asian Games 18 và 2 HCV ở môn Pencak Sialt, đã không được đưa vào chương trình thi đấu.

Khó khăn tiếp theo, do đây là kỳ Đại hội có sự tham gia của hầu hết các quốc gia trong châu lục, với dàn VĐV gồm nhiều nhà vô địch Olympic, vô địch thế giới nên không dễ để các VĐV Việt Nam vượt qua do độ chênh về trình độ khá lớn. Đơn cử như ở môn Cử tạ, tuy mang danh là đấu trường châu lục nhưng lại có sự tham gia đầy đủ của các nhà vô địch thế giới, vô địch Olympic, nhất là ở những hạng cân nhỏ mà Việt Nam có thế mạnh. Gương mặt đáng nể nhất trong số này là đô cử Om Yun Chol (Triều Tiên). Không chỉ là nhà vô địch Olympic, Om Yun Chol còn thống trị ngôi vô địch thế giới tới 5 lần. Trong mấy năm gần đây “cậu bé vàng” của cử tạ Triều Tiên bỗng nhiên vắng bóng ở khá nhiều giải đấu quốc tế, nhưng làng cử tạ châu Á không vì thế mà bớt đi nhân tài.

Theo ông Nguyễn Huy Hùng, phụ trách môn Cử tạ (Cục TDTT) gương mặt đáng ngại nhất của kỳ Đại hội này chính là VĐV của nước chủ nhà Li Fa Bin và VĐV người Indonesia Eko Yuli Yrawan. Sinh năm 1993, Li Fa Bin là nhà vô địch Olympic Tokyo 2020, 2 lần vô địch thế giới và 4 lần vô địch châu Á. Trong khi đó Eko Yuli Yrawan là nhà á quân của Olympic 2008, 2012, vô địch thế giới năm 2018. Ở kỳ Asian Games trước, Eko đã giành ngôi vô địch. Đây là 2 VĐV được xem là ứng cử viên sáng giá nhất của ngôi vô địch, ngôi á quân hạng 61 kg nên cơ hội giành cho nhà á quân của Asian Games 18 Trịnh Văn Vinh và đô cử Nguyễn Trần Anh Tuấn tại kỳ Đại hội này là khá nhỏ. Ở môn Bắn súng, niềm vui là xạ thủ Trịnh Thu Vinh vừa giành vé tham dự Olympic, nhưng để Vinh và các đồng đội có thể cạnh tranh được huy chương lại không hề đơn giản vì các đối thủ mạnh đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc.

Với môn thể thao từng mang HCV Asian Games về cho thể thao Việt Nam là cầu mây, đây cũng sẽ là kỳ Đại hội đầy khó nhọc. Dù có lợi thế là trình độ chuyên môn của các VĐV tương đối đồng đều, phong độ thi đấu ổn định, giàu khát vọng, lại khá ăn ý trong thi đấu do đã có quãng thời gian 3 năm tập luyện cùng nhau nhưng đây đang là đội hình trẻ, VĐV nhiều tuổi nhất sinh năm 1996, ít tuổi nhất sinh năm 2004 nên cần thêm thời gian để cải thiện về nền tảng thể lực, bản lĩnh, kinh nghiệm và tâm lý thi đấu. Đối thủ đáng gờm nhất cho mục tiêu “săn” vàng của cầu mây nữ Việt Nam tại kỳ Đại hội lần này là đối thủ đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc... Các nước cũng đều có sự chuẩn bị kỹ càng cho đấu trường này, nên nếu muốn vượt “núi” đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội của các VĐV.

Một niềm hy vọng vàng nữa là các võ sĩ ở môn karatedo. Trải qua một kỳ SEA Games thành công, karatedo Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giành HCV ở Đại hội thể thao cấp châu lục này. Theo HLV trưởng đội tuyển karatedo Việt Nam Dương Hoàng Long, đối thủ của karatedo lần này đến từ các nước mạnh như Nhật Bản, Kazakhstan, Jodan. Một trong những hạng cân hy vọng của karatedo Việt Nam là hạng 55 kg nữ. Để giành huy chương ở hạng cân này, Hoàng Thị Mỹ Tâm sẽ phải vượt qua nhà vô địch của kỳ Đại hội trước là Wen Tzu-yun (Đài Loan, Trung Quốc) và VĐV giành HCB người Iran Taravat Khaksar và VĐV giành HCĐ của kỳ trước là Cok Istri Agung Sanistyarani (Indonesia).

Dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng thể thao Việt Nam vẫn thể hiện rõ quyết tâm để hoàn thành chỉ tiêu giành từ 2-5 HCV tại kỳ Đại hội lớn và khốc liệt nhất châu lục này. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc