Bình Dương: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT

VHO - Để tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa Thể dục thể thao (TDTT) trong những năm tới, tỉnh Bình Dương xác định đẩy mạnh đổi mới phương thức quản lý nhà nước về TDTT, chuyển một phần công việc của nhà nước cho nhân dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện. Đầu tư của nhà nước tập trung cho các mục tiêu, các chương trình lớn, hoạch định chính sách, quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sự nghiệp TDTT.

Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thể dục thể thao của Bình Dương trong thời gian tới,cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò của quản lý địa phương, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa TDTT trên địa bàn Bình Dương. Mục tiêu của quản lý ngành TDTT tỉnh Bình Dương phát huy và đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa TDTT; tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp TDTT; chuyển giao hoạt động tác nghiệp về TDTT cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ sở ngoài công lập thực hiện. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho thể thao bằng nhiều hình thức và phù hợp với quy hoạch. Cần được thể hiện ở khả năng tạo dựng xã hội hóa TDTT thu hút các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác xã hội hóa TDTT tỉnh Bình Dương. 

Bình Dương: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT - Anh 1

Các đoàn tham gia diễu hành tại Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Bình Dương lần thứ VI nă​m 2022

Sự hấp dẫn của xã hội hóa TDTT đối với các nhà doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước chính là sự ổn định, phát triển bền vững, pháp lý an toàn, các thủ tục hành chính đơn giản, cơ sở hạ tầng xã hội hóa TDTT phát triển và có những định hướng đúng đắn khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả. 

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý không ngừng tăng cường kiểm soát quản lý các tổ chức xã hội. Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người: thể thao trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất. Phát triển thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp: nâng cao số lượng, chất lượng và quy mô tổ chức các giải thi đấu thể thao đỉnh cao cấp quốc gia và cấp quốc tế; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tài năng của tỉnh, hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ đối với nhân tài thể thao. Phấn đấu để thể thao Bình Dương đứng đầu trong khu vực Đông Nam Bộ và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có nền thể thao mạnh nhất của cả nước.

Thứ hai, xây dựng mô hình quản trị tư nhân trong lĩnh vực TDTT, tiến tới đề nghị sửa Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để áp dụng trong lĩnh vực TDTT. Với các cơ sở vật chất của thể dục thể thao như các sân vận động, nhà nước nên giao quyền quản lý khai thác cho các CLB, doanh nghiệp hoặc tư nhân. Tất nhiên, quyền quản lý, khai thác ấy phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định pháp lý. Khi được trao quyền, CLB hoặc tư nhân luôn có kế hoạch khai thác hết công năng của cơ sở vật chất một cách hiệu quả. Ngoài việc tổ chức thi đấu, họ còn khai thác mặt bằng cơ sở với đa dạng các loại hình dịch vụ như bán quà lưu niệm, tổ chức các loại hình thể thao cộng đồng để người dân tới sinh hoạt có thu phí, nhà hàng, tổ chức sự kiện, các buổi biểu diễn ca nhạc. Thông qua việc tổ chức đa dạng các loại hình kinh doanh như vậy, nguồn thu được dùng vào việc tu bổ cơ sở vật chất, đóng thuế cho nhà nước mà không phải chi phí cho bộ máy quá cồng kềnh so với các đơn vị do nhà nước quản lý. Quan sát một số địa phương, mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu các cơ sở vật chất của thể dục thể thao nói chung, sân vận động nói riêng, được giao cho tư nhân hay doanh nghiệp quyền vận hành, quản lý, khai thác.

Thứ ba, phải xác định thể thao cũng là một ngành kinh tế và phải thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để kinh tế thể thao là một phần của nền kinh tế quốc dân. Đây là hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thể thao, luyện tập và thi đấu, sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao. Kinh tế thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các loại hình kinh doanh dịch vụ rất phát triển như du lịch thể thao, hàng hóa thể thao, trang thiết bị dụng cụ thể thao, quảng cáo thể thao,… Các quốc gia tận dụng các cơ hội đăng cai các giải thi đấu lớn để tạo hình ảnh đất nước, phát triển dịch vụ hàng hóa thể thao, bản quyền truyền thông thể thao, thu hút du lịch thể thao.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau hoạt động kinh tế thể thao nước ta nói chung trong đó có Bình Dương chưa thực sự sôi động và còn đang ở dạng tiềm năng chờ đợi những cơ hội đầu tư khai phá, thậm chí bùng nổ nếu có chính sách phù hợp. Phát triển kinh tế thể thao sẽ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp, thu nhập và việc làm cho các cá nhân và gia đình, đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước. Phát triển kinh tế thể thao không chỉ đóng góp cho ngành thể thao mà còn mang lại lợi ích và kích thích sự phát triển cho các ngành khác như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thúc đẩy thu hút đầu tư cho địa phương.

Bình Dương: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT - Anh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Hiện tại, Đảng và Nhà nước đã có những nhận thức mới về vai trò của thể thao trong thời kỳ mới, về mối quan hệ của thể thao với kinh tế, về phát triển công nghiệp thể thao. Tuy nhiên, vẫn còn nút thắt chính sách đối với ngành thể thao Việt Nam chính là chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Đối với các nước phát triển, khi quy hoạch khu dân cư có quy hoạch riêng đất cho thể thao, dành cho các hoạt động kinh doanh thể thao, cho người dân có chỗ tập luyện. Ở các nước khác họ quy định khu đất đó dành cho thể thao thì có thể xây sân vận động, nhà thi đấu, sau đó các liên đoàn, hiệp hội hoặc câu lạc bộ chuyên nghiệp và các đơn vị kinh doanh thể thao sẽ thuê lại sân, nhà thi đấu đó trong một số năm quy định nào đó.

 Còn ở ta cơ sở vật chất đã thiếu mà nhà nước lại quản lý gần như độc quyền. Chúng ta đang có cơ chế là cơ sở vật chất đầu tư công nhưng quản trị tư - để triển khai rất khó khăn. Liên quan đến đối tác công tư về thể thao đang vướng vì ngành văn hóa thể thao chưa được quy định trong Luật hợp tác công tư. Do đó các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp không có sân vận động, không có cơ sở vật chất thì không phát triển được kinh doanh thể thao. Trong khi đó nguồn thu từ sân vận động phần rất lớn đến từ kinh doanh quảng cáo, quyền khai thác thương mại,… nhưng nếu nhà nước quản lý sân vận động thì nguồn thu này rất hạn chế do vướng cơ chế, hoặc có nơi nhiều câu lạc bộ cùng sử dụng chung một sân vận động sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh quảng cáo, khai thác thương mại không hiệu quả và làm ảnh hưởng thất thu ngân sách.

Thứ tư, quy hoạch tích hợp là “đòn bẩy” quan trọng. Có thể nói quy hoạch tích hợp là giải pháp của mọi giải pháp, quy hoạch một cách khoa học sẽ là công cụ tháo gỡ "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển, quy hoạch không chỉ thúc đẩy phát triển lĩnh vực TDTT mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và cả nước. 

Do đó, Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến công tác quy hoạch, trong đó tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng điều này. Bình Dương xác định tầm quan trọng và vai trò của quy hoạch tỉnh, làm kim chỉ nam cho thời kỳ phát triển mới và xa hơn nữa nhằm mục tiêu phát triển bức phá thành tỉnh có thu nhập cao dựa trên 3 triết lý: Xây dựng môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả; xã hội hài hoà, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương năng động và kiến tạo. Hiện nay Bình Dương đang bước vào những phần việc cuối cùng để trình các cấp thông qua Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây sẽ là công cụ vô cùng quan trọng để tỉnh định hướng, điều hành và quản lý nhằm giúp tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Một trong những thành tố quan trọng của Quy hoạch tích hợp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Bình Dương sẽ hình thành Khu Liên hợp Văn hóa, Thể thao hiện đại lên đến 500ha với nhiều công trình văn hóa thể thao quy mô, được đầu tư bài bản từ nguồn ngân sách và từ xã hội hóa. Khi Khu Liên hợp này hoàn thành, sẽ là địa chỉ quen thuộc để đăng cai, tổ chức các sự kiện về văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế, đồng thời phục vụ đa dạng các hoạt động văn hoá, thể thao của người lao động, các doanh nghiệp cũng như các khu, cụm công nghiệp của cả vùng.Nhiều hạng mục công trình của Khu Liên hợp này nếu được quy hoạch bài bản, là điều kiện lý tưởng để các tổ chức, các doanh nghiệp chung tay cùng nhà nước đầu tư, là bước đột phá của công tác xã hội hóa TDTT.

Bài, ảnh: VĂN CAO

Ý kiến bạn đọc